Chụp MRI xương khớp được sử dụng phổ biến nhờ có nhiều ưu điểm vượt trội, mang lại giá trị chẩn đoán bệnh xương khớp cao hơn chụp X-quang hay chụp cắt lớp vi tính.
Chụp MRI xương khớp là gì?
Chụp MRI xương khớp hay còn gọi là chụp cộng hưởng từ xương khớp là phương pháp chẩn đoán sử dụng kết hợp từ trường, sóng điện từ để tạo ra hình ảnh chi tiết về hình dáng và cấu trúc bên trong xương khớp. Từ những hình ảnh đó bác sĩ sẽ đưa ra các chẩn đoán về xương, khớp, sụn, cơ, gân… hay những bất thường về cấu trúc hoặc một số vấn đề khác.
Với các bệnh lý về xương khớp, nhất là thoái hóa khớp, tổn thương dây chằng sụn khớp, chụp MRI sẽ giúp thấy rõ các hình ảnh tổn thương hơn so với chụp X-quang hay chụp cắt lớp vi tính. Chụp cộng hưởng xương khớp cũng thường được ứng dụng cho nhiều đối tượng, không sử dụng bức xạ Ion hóa nên mức độ an toàn cho người bệnh cao.
Chụp cộng hưởng từ xương khớp giúp phát hiện bệnh gì?
Chụp MRI có thể được bác sĩ chỉ định sử dụng ở hầu hết các chẩn đoán trên cơ thể, bao gồm cả xương khớp. Bằng cách thu lại hình ảnh một cách sắc nét, chi tiết, MRI xương khớp hỗ trợ phát hiện nhiều dạng bệnh lý điển hình như:
1. Chấn thương xương khớp
Chấn thương xương khớp khá phổ biến và khác nhau về nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng mà chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp X - quang không thể phát hiện được. Không chỉ phát hiện các chấn thương khó nhận biết như gãy không di lệch, dập phù tủy xương; MRI xương khớp còn giúp phát hiện các tổn thương kèm theo về sụn, cơ, gân, dây chằng…
2. Bệnh viêm xương
MRI có độ nhạy cao và cho ra các hình ảnh chi tiết, có thể hiển thị cả xương và mô mềm xung quanh, phản ánh đúng xương có đang bị tổn thương sớm, các mô mềm xung quanh có đang bị viêm hay không… Điều này thường khó có thể nhìn thấy ở các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác.
3. Bệnh khớp háng
Chụp cộng hưởng từ giúp bộc lộ các tổn thương ở các bệnh lý khớp háng trong giai đoạn sớm khi các triệu chứng chưa biểu hiện rõ ràng. Các hình ảnh về khớp háng thường hay gặp như lún sụn khớp, mất liên tục sụn khớp, thay đổi vùng tủy xương ở chỏm, lún xương, biến dạng chỏm xương đùi…
4. Bệnh khớp gối
Khác với chụp CT hay X-quang, chụp MRI xương khớp dễ dàng phát hiện các bất thường ở cấu trúc mô, cơ thông qua hình ảnh chi tiết thành phần cấu tạo nên khớp gối như cơ, khớp, dây chằng, xương, bao dịch hoạt… từ đó hỗ trợ bác sĩ đưa ra những chẩn đoán chính xác về nhóm bệnh lý này.
5. Bệnh khớp vai
MRI giúp khớp vai được chụp từ nhiều hướng khác nhau, đánh giá tốt cấu trúc khớp vai như cơ, gân, sụn khớp, dây chằng, thần kinh… Chụp cộng hưởng từ khớp vai được chỉ định cho các trường hợp bất thường về cấu trúc khớp vai, trật khớp vai nhiều lần, bệnh u khớp vai, chấn thương khớp vai do hoạt động mạnh, tình trạng viêm nhiễm khớp vai; bổ sung chẩn đoán khi các phương pháp siêu âm khác chưa phát hiện được.
6. Bệnh u xương
U xương xuất hiện khi các tế bào bên trong xương phát triển một cách không kiểm soát, u xương được phân loại thành nguyên phát và thứ phát, lành tính và ác tính. Chụp MRI có thể giúp bác sĩ phát hiện những tổn thương xương gây ra bởi các khối u thông qua hình dáng, kích thước và vị trí.
Đối tượng cần chụp MRI xương khớp
Chụp cộng hưởng từ xương khớp thường được chỉ định và chống chỉ định cho các đối tượng cụ thể sau: (1)
1. Chỉ định MRI xương khớp
Bác sĩ thường chỉ định chụp MRI xương khớp khi cần chẩn đoán, đánh giá và điều trị các bệnh lý liên quan đến xương khớp, bao gồm:
- Chấn thương, gãy xương hoặc rách dây chằng, sụn khớp
- Bất thường về cấu trúc do vấn đề lão hóa
- Bệnh lý viêm, nhiễm trùng tủy xương
- Xuất hiện khối u
- Bất thường xương khớp do bẩm sinh
- Thoái hóa khớp
- Hoại tử xương
- Thoái hóa hoặc thoát vị đĩa đệm
2. Chống chỉ định MRI xương khớp
Những đối tượng dưới đây không được khuyến cáo chụp MRI xương khớp:
- Phụ nữ mang thai, đặc biệt trong khoảng 3 tháng đầu của thai kỳ
- Người đang sử dụng thuốc thần kinh
- Người đang sử dụng thuốc kích thích phát triển xương
- Người dị ứng với thuốc cản quang
- Người có kích thước, cân nặng quá khổ, không tương thích với kích thước của máy
- Người mắc các hội chứng sợ không gian hẹp, kín, tối hay sợ ở một mình
- Người đang gặp các vấn đề về bệnh lý gan, thận
- Những người mang kim loại trong người bao gồm:
- Máy bơm truyền thuốc được cấy ghép dưới da
- Dụng cụ tránh thai bên trong tử cung
- Mảnh bom, đạn, kim loại bên trong cơ thể
- Một số thiết bị giả như khớp giả, khớp nhân tạo, răng giả, ốc tai điện tử…
Khi nào cần chụp cộng hưởng từ xương khớp?
Như đã nói, MRI xương khớp được sử dụng nhằm mục đích kiểm tra xương khớp, phát hiện các vấn đề bất thường từ đó đưa ra những chẩn đoán và phương pháp điều trị phù hợp. Theo đó, chụp cộng hưởng từ thường được thực hiện khi: (2)
- Bác sĩ cần kiểm tra xương, khớp, các mô mềm để tìm kiếm các chấn thương hoặc bất thường cấu trúc.
- Đánh giá kết quả, mức độ thành công của các thủ thuật chỉnh hình trước đó.
- Đánh giá mức độ hao mòn thoái hóa khớp.
- Theo dõi suy thoái khớp do viêm thông qua hình ảnh chụp từ MRI xương khớp.
- Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện chụp cộng hưởng từ xương khớp trong một vài trường hợp khác.
Quy trình MRI xương khớp như thế nào?
Cộng hưởng từ xương khớp thường được thực hiện theo quy trình cơ bản như sau.
1. Chuẩn bị trước khi chụp MRI xương khớp
- Ăn uống: Hầu như trong các lần chụp MRI bạn có thể ăn uống bình thường. Tuy nhiên để chắc chắn, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
- Trang phục: Người bệnh sẽ mặc đồ bệnh viện cung cấp, trước khi vào phòng chụp cần tháo bỏ hết tất cả các phụ kiện như trang sức, kính mắc, máy trợ thính, kẹp tóc, điện thoại…
- Trước khi thực hiện chụp cộng hưởng xương khớp, bạn cần trả lời một số câu hỏi liên quan như:
- Bạn có đang mang thai hay cho con bú không?
- Bạn có đang sử dụng bất kỳ loại máy bơm được cấy ghép nào không?
- Bạn có đang sử dụng máy điều hòa nhịp tim hay đã từng thay van tim không?
- Bạn có đang xỏ khuyên ở bộ phận nào trên cơ thể không?
- Bạn có từng xăm hình không?
- Cơ thể bạn có mảnh bom, đạn, kim loại không?
- Công việc của bạn có thường xuyên tiếp xúc với kim loại không?
- Bạn có thể nằm yên 20 - 90 phút không?
2. Thực hiện chụp MRI xương khớp
Để có sự chuẩn bị tốt nhất, người bệnh nên tuân theo các hướng dẫn của bác sĩ, kỹ thuật viên. Nhìn chung, cần nắm rõ những thao tác chung khi thực hiện chụp cộng hưởng xương khớp dưới đây:
- Bác sĩ sẽ truyền thuốc vào tĩnh mạch ở cánh tay người bệnh nếu cần dùng thuốc cản quang.
- Người bệnh sẽ được hướng dẫn di chuyển nằm đúng vị trí trên bàn chụp. Trong một số trường hợp, kỹ thuật viên sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng để cố định người bệnh trong suốt quá trình chụp MRI.
- Kỹ thuật viên sẽ quan sát, theo dõi người bệnh ở phòng bên cạnh. Nếu gặp bất kỳ vấn đề nào trong quá trình thực hiện chụp xương khớp, người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ thông qua mic.
- Mặc dù kỹ thuật MRI không gây đau đớn nhưng nếu trong trường hợp người bệnh khó chịu, đau nhức do các chấn thương gần đây, kỹ thuật viên sẽ cố gắng giúp bạn thoải mái và hoàn thành quy trình chụp nhanh nhất có thể.
- Người bệnh được cung cấp tai nghe hoặc nút tai để tránh tiếng ồn từ máy móc khi chụp.
- Thỉnh thoảng, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh nín thở vài giây để nâng cao chất lượng hình ảnh thu được.
3. Sau khi chụp MRI xương khớp
- Đường truyền tĩnh mạch sẽ được rút ra nếu người bệnh có sử dụng chất cản quang.
- Người bệnh di chuyển ra khỏi phòng chụp nhẹ nhàng, chậm rãi, tránh tình trạng choáng váng.
- Trong trường hợp có sử dụng thuốc an thần, người bệnh cần đợi thuốc tan hết trước khi ra về.
- Nếu có các bất thường như nhức đầu, đau rát, buồn nôn… cần thông báo với bác sĩ để được hỗ trợ.
- Thông thường chế độ sinh hoạt của người bệnh sẽ không thay đổi sau khi chụp MRI.
Chụp MRI xương khớp có rủi ro không?
MRI xương khớp gần như không xảy bất cứ rủi ro gì cho người bệnh nếu tuân thủ đúng quy định và yêu cầu của bác sĩ. Đây là phương pháp an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
Để nâng cao đảm bảo an toàn trong và sau quá trình thực hiện, người bệnh nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, chọn chụp tại các cơ sở y tế uy tín, đạt chuẩn về hệ thống máy móc; đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao, nhiều năm kinh nghiệm khám chữa bệnh lý cơ xương khớp. Trung tâm Chẩn đoán Hình ảnh & Điện quang Can thiệp, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đang ứng dụng những loại máy MRI hiện đại như MRI 1.5 đến 3 Tesla, MRI tư thế đứng G-san Brio chuyên chụp cho bệnh cơ xương khớp…, giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán, an toàn hơn cho người bệnh, tránh những rủi ro không đáng có.
Ưu nhược điểm của MRI xương khớp
MRI xương khớp là phương pháp phổ biến, hiện đại nhất hiện nay, góp phần rất lớn vào quá trình phát hiện và điều trị bệnh. Điển hình, chụp MRI xương khớp có thể mang lại những ưu điểm nổi bật như:
- Không sử dụng bức xạ, không xâm lấn do đó người bệnh sẽ không bị ảnh hưởng từ bức xạ, không có cảm giác đau đớn trong quá trình chụp.
- Có thể chụp từ nhiều phía khác nhau mà không cần di chuyển cơ thể. Cho phép quan sát toàn bộ cấu trúc xương khớp bằng không gian ba chiều giúp nhìn thấy những chi tiết nhỏ nhất.
- Độ phân giải cao nhất trong tất cả các kỹ thuật chụp chiếu.
- Chất cản quang hầu như không có tác dụng phụ, không ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
- Phát hiện được những chi tiết nhỏ nhất mà chụp cắt lớp vi tính hay chụp X-quang không thể phát hiện được.
- Hỗ trợ chẩn đoán các bệnh lý ở giai đoạn sớm, khi chưa có các biểu hiện cụ thể.
Đây được xem là phương pháp an toàn, không gây hại cho người bệnh. MRI xương khớp có một số hạn chế nhất định như:
- Chất cản quang có thể ảnh hưởng đến người bị bệnh thận nặng, dị ứng với thành phần của thuốc, hen suyễn, thiếu máu, huyết áp thấp.
- Người bệnh thường cần giữ nguyên tư thế trong suốt quá trình chụp, thỉnh thoảng bạn phải nín thở vài giây theo yêu cầu của bác sĩ để đảm bảo hình ảnh được chụp chính xác, không bị nhiễu. Tuy nhiên thời gian nín thở thường rất ngắn và chỉ lặp lại một vài lần.
- Hệ thống máy móc được nhập khẩu với giá thành khá cao nhưng mang lại độ an toàn, chính xác vượt trội so với kỹ thuật khác.
Chi phí chụp cộng hưởng xương khớp?
Giá chụp cộng hưởng từ xương khớp tùy thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí cần chụp, đời máy MRI, có dùng thuốc cản quang trong quá trình chụp không, địa chỉ thực hiện, thời điểm thực hiện… Do đó để biết chính xác mức phí cần chi trả cho MRI xương khớp người bệnh nên liên hệ trực tiếp đến cơ sở y tế để được giải đáp thông tin chi tiết về chi phí chụp cộng hưởng từ xương khớp.
Chụp MRI xương khớp ở đâu uy tín?
Trung tâm Chẩn đoán Hình ảnh & Điện quang Can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có hệ thống máy chụp MRI hiện đại như máy MRI tư thế đứng G-scan Brio; MRI Magnetom Amira BioMatrix (Siemens, Đức)… Ngoài ra, Trung tâm còn quy tụ đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý xương khớp.
Chụp MRI xương khớp là phương pháp phổ biến, an toàn cho người bệnh. Trong trường hợp gặp các vấn đề về xương khớp, người bệnh nên đến các cơ sở uy tín để được chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.