Trong bữa cơm gia đình hay tụ họp đông người thì món vịt om sấu luôn được ưu tiên lựa chọn số một. Đặc biệt vào mùa hè, tiết trời oi bức vị chua thanh của sấu sẽ làm món ăn ngon miệng hơn. Tham khảo cách làm vịt om sấu ngon ngọt đậm đà để chiêu đãi cả gia đình thân yêu.
Làm thế nào để chọn được nguyên liệu ngon nấu vịt om sấu? Tham khảo bài viết sau đây nhé!
Vịt là loài gia cầm “nhiều xương ít thịt” nhất là những con vịt được nuôi thả tự nhiên. Vậy làm thế nào để chọn được một con vịt béo, thịt dày để nấu vịt om sấu?
Đối với vịt sống
- Quan sát lông vịt: Nên chọn những con vịt đã mọc đủ lông. Lông vịt mềm, mượt như thế sẽ dễ dàng hơn cho bạn khi chế biến, tránh phải nhặt quá nhiều lông măng rất mất thời gian.
- Những con vịt ngon thường có ức tròn, sờ vào phần da cổ và bụng thấy dày thì mua ngay.
- Vịt đực sẽ ngon hơn vịt cái. Chú ý phần mỏ vịt, nếu thấy mỏ nhỏ và cứng là vịt già. Loại vịt này thịt dày, chắc và thơm hơn nhiều so với vịt non.
Đối với vịt đã làm sẵn
- Nên mua những con vịt vừa mới được làm lông xong.
- Dùng ngón tay nhấn vào bề mặt của thịt vịt thấy thịt tươi, rắn chắc là được. Trường hợp thấy bùng nhùng thì đó là vịt đã bơm nước.
Sấu dùng trong món ăn này phải được lựa chọn thật kỹ. Không nên mua sấu quá non vì như thế phần cùi không được dày, sấu quá già sẽ cứng và vị chua gắt.
Nên mua những quả sấu bánh tẻ, có màu xanh đẹp mắt. Lớp vỏ sấu hơi sần sùi thì cùi sẽ dày và nhiều thịt chua như thế món ăn mới thơm ngon đúng điệu.
Mỗi năm chỉ có một mùa sấu do đó các chị em hoàn toàn có thể mua nhiều sấu về sơ chế và đem trữ đông để dùng dần. Nên cạo vỏ sấu, rửa sạch rồi để ráo nước sau đó bỏ vào hộp và cho vào ngăn đá của tủ lạnh.
Thịt vịt có một mùi vị rất đặc trưng vì thế để không làm ảnh hưởng đến món ăn thì bạn cần tiến hành khử mùi mùi hôi này.
Tuyến hôi của vịt nằm ở phần phao câu, vì thế nếu không cắt bỏ phần này đi thì món vịt om sấu của bạn khi thành phẩm sẽ có mùi hôi cực kỳ khó chịu. Lúc này, dù cho bạn có sử dụng nguyên liệu khử hôi thế nào đi chăng nữa cũng không có hiệu quả. Do đó, trong quá trình sơ chế vịt, bạn hãy cắt bỏ phần này đi nhé.
Trong chanh và giấm có chứa hàm lượng lớn các axit hỗ trợ việc khử mùi hôi của vịt rất hiệu quả.
Cách làm cực kỳ đơn giản, bạn thái chanh thành từng lát mỏng sau đó dùng tay chà xát chúng trên thân vịt. Nếu sử dụng giấm ăn thì bạn ướp vịt trong hỗn hợp có chứa loại gia vị này là được.
Để chanh/giấm lưu trên da vịt khoảng 5 - 10 phút rồi đem rửa lại với nước sạch.
Có cách nào khử mùi hôi của vịt nhanh mà hiệu quả không? Câu trả lời chính là gừng tươi. Loại củ gia vị này có khả năng khử mùi rất tốt. Hương vị cay nồng đặc trưng của nó sẽ giúp đánh bay mùi hôi khó chịu trên con vịt.
Trước tiên, bạn hãy cạo vỏ gừng, rửa sạch rồi đập dập và chà xát lên thân vịt. Chú ý, để việc khử hôi hiệu quả, bạn có thể thêm một vài hạt muối cùng rượu trắng nhé.
Để làm vịt om sấu ngon, bạn cần tham khảo công thức sau:
- Vịt: 1 - 1.5kg
- Sấu: 6-10 quả (tùy khả năng thích ăn chua của mỗi gia đình)
- Gia vị: chanh, muối, đường, gừng, hành củ, hành lá, sả, tỏi, riềng, rau ngổ, mùi tàu
*Lưu ý: Nên chọn giống vịt cỏ, bởi vì loại vịt này nhiều thịt và ít mỡ
Vịt, sấu và gia vị làm món vịt om đúng chuẩn
Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu
- Hành lá, sả, gừng, tỏi, hành củ, riềng, rau ngổ, mùi tàu… bỏ vỏ, lá già, sau đó đem rửa sạch.
Bước 2: Sơ chế và ướp thịt vịt ngon
- Để cho vịt hết mùi hôi bạn cần bóp vịt với muối, rửa lại cho sạch sau đó cắt ½ quả chanh xát lại phần da để khử mùi. Sau đó dùng dao chặt vịt thành từng miếng.
- Ướp vịt với hành củ, gừng, tỏi, xả… băm nhỏ, 1 thìa cafe muối, ½ thìa cafe đường, ướp trong khoảng 20-30 phút cho vịt ngấm gia vị.
Ướp thịt vịt với gia vị và gừng, xả, ớt
Bước 3: Xào vịt
- Bắc cái chảo lên bếp với chút dầu ăn, khi dầu nóng thì cho một lượng hành, tỏi, sả còn lại vào phi thơm vàng. Trút hết thịt vịt đã ướp vào rồi đảo đều, xào cho đến khi vịt có mùi thơm và thịt săn lại. Bước này sẽ giúp cho vịt thơm và ngấm gia vị hơn.
Xào thịt vịt đã ướp
Bước 4: Om vịt
Cho sấu vào nồi rồi đổ nước ngập thịt, đậy vung lại nấu. Nấu lửa lớn cho nồi thịt vịt nhanh sôi, sau đó hạ lửa nhỏ, om trong khoảng 30 phút để vịt chín mềm.
*Lưu ý: Nếu bạn muốn chế biến theo kiểu vịt om sấu nước cốt dừa thì chỉ cần thay nước lạnh bằng nước dừa là được.
Lúc này sấu cũng đã mềm, bạn dùng muôi dầm sấu cho đến khi đủ độ chua thì dừng lại, nêm nếm gia vị vừa ăn. Cuối cùng rắc thêm rau ngổ, mùi tàu, hành lá rồi tắt bếp.
Món vịt om sấu khi hoàn thành thơm nức. Nước dùng cực kỳ trong khi ăn cảm nhận được vị ngọt thanh từ thịt vịt.
Phần thịt vịt thì mềm thơm, đậm đà, sấu giòn sần sật cực kỳ hao cơm. Bạn nên thưởng thức khi món ăn còn nóng nhé.
Ngoài cách nấu ở trên, món vịt om sấu còn có những biến tấu khác. Bạn có thể tham khảo.
- Nguyên liệu cần thêm: 200gr khoai sọ sau đó đem gọt vỏ rửa sạch.
- Phần khoai sọ này sẽ được thêm vào trong lúc đã om vịt được 30 phút, vì khoai sọ rất nhanh chín nên chỉ cần nấu thêm 7 - 10 phút là được. Không nên nấu quá lâu sẽ dẫn đến bị nát.
Bạn cũng có thể thêm một phần rau rút vào nấu chung để tăng thêm hương vị cho món ăn. Vịt om sấu nấu kiểu này vừa đơn giản lại thơm ngon. Thích hợp ăn cơm trắng hoặc bún.
- Nguyên liệu cần thêm: 300gr măng chua được cắt thành miếng đem luộc qua nước sôi để loại bớt độ chua.
- Măng sẽ được thêm vào sau khi đã nấu vịt cùng với sấu được khoảng 30 phút. Tiếp tục đun cho đến khi măng chín mềm, nước trong nồi bắt đầu tạo nên hỗn hợp sánh thì tắt bếp.
Múc phần thịt vịt và măng ra bát rồi chan nước dùng lên. Thịt vịt chín mềm thơm ngon, đậm đà. Măng giòn sần sật ăn rất lạ miệng.
- Nguyên liệu cần thêm: 200g khoai môn gọt sạch vỏ, bổ miếng vuông to. Rửa sạch với nước rồi mang khoai chiên vàng đều các mặt với dầu ăn. Vớt khoai ra để ráo dầu.
- Cách nấu vịt om sấu khoai môn được cho vào khi vịt đã om được 30 - 40 phút. Cho khoai môn đã chiên vàng vào om cùng vịt 5 - 7 phút nữa là được. Khoai môn nhanh chín, nấu quá lâu sẽ bị nát hết.
Vịt om sấu khoai môn có phần khoai môn thơm, bở rất ngon. Thịt vịt chín mềm ai ăn cũng thích mê. Đặc biệt, phần nước dùng thơm ngậy của khoai môn, thanh ngọt của thịt vịt và vị chua dịu nhẹ của sấu cực kỳ thích hợp cho những bữa cơm sum họp ngày cuối tuần.
- Nguyên liệu cần thêm: 1 bó rau muống. Nhặt hết phần lá của rau muống, ngắt phần cọng già. Chỉ giữ lại phần thân, cắt rau thành từng khúc dài 5 - 7cm. Rửa sạch rau muống rồi đun 1 nồi nước sôi, cho 1 xíu muối vào rồi cho rau muống vào trụng nhanh khoảng 1 phút thì vớt ra rửa với nước lạnh để rau được giòn.
- Sau khi om vịt om sấu chín mềm, cho rau muống vào và nấu sôi khoảng 1 - 2 phút là được. Rau muống chín tới, còn giữ được độ giòn và màu xanh đẹp mắt. Gắp rau và thịt vịt ra rồi thưởng thức thôi nào.
Phần thịt vịt chín mềm đậm đà các loại gia vị. Nước canh thơm ngon có vị chua thanh dịu ăn rất cuốn. Bạn có thể chuẩn bị thêm một phần bún tươi để ăn kèm cũng rất tuyệt vời đấy.
Có thể ăn vịt om sấu rau muống như ăn lẩu, kèm thêm với bún
Thịt vịt om sấu nếu không ăn hết thì bạn nên để nguội rồi trút vào hộp kín có nắp đậy và bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh. Khi ăn, bạn chỉ cần lấy ra rồi hâm nóng lại và dùng như bình thường.
Món vịt om sấu chỉ nên để từ 2 - 3 ngày. Tránh để quá lâu khiến món ăn biến chất, không giữ được hương vị ban đầu.
- Nguyên liệu cần thêm: 1 lít nước dừa tươi
- Phần nước dừa này sẽ được sử dụng để thay thế cho nước om vịt. Bạn chỉ việc đổ nước dừa tươi vào nồi rồi tiến hành cho thịt vịt và các nguyên liệu đã xào trong quá trình chế biến.
Thịt vịt om sấu kết hợp với nước dừa tươi sẽ mang đến trải nghiệm vị giác cực kỳ kích thích. Vị chua của sấu, vị mặn của thịt vịt khi chế biến cùng vị ngọt của nước dừa sẽ khiến món ăn càng thêm cuốn hút, ăn bao nhiêu cơm và bún cũng hết.
- Nguyên liệu cần thêm: 2 chai bia dung tích 500ml
- Những chai bia này sẽ được sử dụng để thay thế cho nước om vịt thông thường. Bạn chỉ việc đổ bia trong chai vào nồi nấu vịt rồi tiến hành cho thịt vịt và các nguyên liệu cần thiết vào trong nấu chín là được.
- Bia có vị đắng, do đó mà bạn có thể nêm thêm gia vị phù hợp để cải thiện hương vị, giúp món ăn trở nên ngon hơn.
Thịt vịt om sấu kết hợp với bia sẽ khiến mang đến hương vị kỳ lạ nhưng rất hấp dẫn cho món ăn. Nồi vịt om sấu không chỉ có vị chua từ sấu mà còn có mùi thơm nhẹ nhẹ của bia, thật là một món khoái khẩu dành cho những ngày mưa lạnh ở miền Bắc.
Với công thức nấu đơn giản cùng với cách nấu vịt om sấu không hề khó khăn. Để thêm phần hoàn hảo cho món ăn thì tốt nhất bạn nên ăn kèm với các loại rau khác nhau. Lưu ý rằng, dù thích hợp với nhiều loại rau củ nhưng không phải sự kết hợp nào cũng tạo ra hương vị như bạn mong muốn. Một số loại rau sẽ rất phù hợp để ăn kèm với thịt vịt như:
Có thể bạn chưa biết, những loại củ quả như su su, cà rốt cực kỳ hợp với vịt om sấu. Cách chế biến vô cùng đơn giản, bạn chỉ cần gọt vỏ, rửa sạch rồi bổ miếng và luộc chín là được.
Sự thanh mát, ngọt tự nhiên của loại rau củ luộc sẽ giúp trung hòa hương vị đậm đà của món ăn.
Nếu đang phân vân không biết vịt om sấu ăn với gì ngon thì các loại rau củ muối chua là một sự lựa chọn không tồi.
Vị chua của món rau này ăn kèm với nước dùng sánh sệt của vịt om sấu thì quả là điểm 10 cho chất lượng.
Sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua rau muống trong danh sách món rau thích hợp với vịt om sấu.
Rau muống bạn nhặt sạch phần thân già, lá vàng rồi rửa sạch và để ráo nước. Khi nồi vịt om sấu sôi, bạn đem nhúng phần rau này vào, chờ rau chín là có thể thưởng thức.
Cọng rau muống chín tới giòn sần sật thấm đẫm vị của vịt om sấu. Không ngoa khi nói 2 món này “sinh ra là dành cho nhau”.
Nếu được lựa chọn rau kết hợp với vịt om sấu thì đừng quên chuẩn bị rau ngổ và mùi tàu nhé. Mùi thơm đặc trưng của 2 loại rau này sẽ giúp cho món ăn trở nên hoàn hảo hơn gấp bội.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cứ 100g thịt vịt sẽ cung cấp khoảng 200-300 calo. Tùy vào các cách chế biến, sử dụng mà hàm lượng này có thể thay đổi.
Ví dụ, 100g thịt vịt có 211 calo nhưng nếu bạn loại bỏ phần da vịt thì lượng calo lúc này chỉ ở mức 130 mà thôi. Hoặc khi đem luộc thì lượng calo là 220 nhưng nếu vịt quay thì sẽ tăng lên ngưỡng 336.
Cả 2 nguyên liệu chính của món ăn là thịt vịt và sấu xanh đều rất giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể ăn chúng. Dưới đây là một số đối tượng tuyệt đối không nên ăn vịt om sấu dù thèm đến mấy.
- Những người đang mắc các bệnh về đường tiêu hóa.
- Bệnh nhân mới phẫu thuật xong nếu ăn thịt vịt sẽ khiến vết thương lâu lành hơn.
- Người bị ho ăn thịt vịt sẽ làm cho bệnh kéo dài dai dẳng mãi không khỏi.
- Người gặp các vấn đề về xương khớp.
Trên đây là tổng hợp các cách làm vịt om sấu cực kỳ dễ làm mà chuẩn vị, ai ăn cũng phải khen ngon tấm tắc. Bạn có thể tham khảo và bổ sung vào thực đơn món ngon từ thịt vịt để chiêu đãi cả nhà. Chúc bạn làm thành công món ăn này.
Link nội dung: https://aloduhoc.com/7-cach-lam-vit-om-sau-kieu-mien-bac-voi-sau-va-khoai-mon-ngon-chuan-vi-a12150.html